Xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự phát triển của chất lượng đời sống con người trong đó thiết yếu nhất vẫn là nhu cầu về ăn, ở và đi lại. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình dân dụng trở thành cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhu cầu đó đã kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực của ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp ngày càng cao. Việc nhân lực ngành này còn “thiếu” và “yếu” khiến cho công tác đào tạo nhân lực ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp được quan tâm và chú trọng phát triển. Vậy Xây dựng dân dụng và Công nghiệp là gì ? Tốt nghiệp ra trường làm gì ? Đó là băn khoăn của rất nhiều thí sinh và các bậc phụ huynh đặt ra khi lựa chọn ngành học cho mình và con em mình. Cùng giải đáp những băn khoăn này của rất nhiều người thông qua bài viết dưới đây nhé!
Ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp là gì ?
Xây dựng dân dụng và công nghiệp là ngành chuyên về lĩnh vực thiết kế, tư vấn, tổ chức thi công cũng như quản lý giám sát và nghiệm thu các công trình xây dựng dân dụng cũng như công nghiệp nhằm mục đích phục vụ đời sống con người. Các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp có thể kể đến như: nhà ở, trung tâm thương mai, bệnh viện, trường học, khách sạn – nhà hàng…
Sinh viên theo học ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp sẽ được trang bị các kiến thức về toán, vật lý và hóa học ứng dụng, kết cấu công trình, sức bền vật liệu, cấp thoát nước công trình, vẽ mỹ thuật, máy xây dựng và tổ chức thi công
Các trường đào tạo ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp
Để đáp ứng những nhu cầu về nhân lực rất lớn của lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, có rất nhiều trường đại học và cao đẳng uy tín đang đào tạo ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp: có thể kể đến như: Đại học Giao thông vận tải, Đại học xây dựng, Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia tp Hồ Chí Minh, Đại học Thành Đô, Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, Cao đẳng Xây dựng số 1.
Tại các trường này, sinh viên ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp bên cạnh được trang bị các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành còn được rèn luyện những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp…
Học ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp ra trường làm gì?
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động tp Hồ Chí Minh thì số lượng người lao động trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc khoảng 11.000 người mỗi năm, chiếm 4% tổng nhu cầu nhân lực mỗi năm của tp Hồ Chí Minh. Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Điều đó đã mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đặc biệt là lao động trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tại, chế biến thực phẩm, may mặc… Chính vì vậy, cơ hội việc làm cho ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp nói riêng cũng như lĩnh vực xây dựng và kiến trúc nói chung luôn luôn rộng mở.
Tốt nghiệp ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các công trường xây dựng, trong công xưởng cũng như làm việc tại các văn phòng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Kỹ sư xây dựng làm việc tại các công trường thường phụ trách các mảng liên quan đến thiết kế, thi công, giám sát hoặc thẩm định các công trình, hoặc nghiệm thu các dự án công trình… Tại các văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp có thể làm việc với vai trò của một Chuyên viên tư vấn, lập dự toán, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng, nghiệm thu các thiết kế – công trình của các công ty, hoặc làm việc với vai trò nghiên cứu như một chuyên gia, giảng viên ngành xây dựng…
Với những thông tin nêu trên về ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp cũng như việc làm sau khi ra trường của sinh viên theo học ngành này, những băn khoăn nêu trên của bạn đã được giải đáp phần nào. Hi vọng rằng những thông tin đó sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình lựa chọn trường và ngành học phù hợp với bạn trong ngưỡng cửa của kỳ thi tuyển sinh Đại học – cao đẳng năm 2018. Chúc các bạn thành công