Mở Cửa Du Lịch: “Chớp thời cơ” phục hồi ngành công nghiệp không khói

15/3 là ngày ngành du lịch Việt Nam đang ngóng chờ. 6 bộ ngành liên quan đã cùng đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch như trước khi có dịch COVID-19.

Thông tin này có thể coi là tưới nước vào sa mạc khi hơn 2 năm qua, ngành du lịch đã phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.

Cải thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế được coi là chìa khóa giúp ngành này có được lợi thế cạnh tranh, khi các quốc gia láng giềng cũng đang khẩn trương tích cực cho việc phục hồi du lịch.

Giai đoạn tập dượt thí điểm đón khách quốc tế đã giúp ngành du lịch nhận ra một số những hạn chế vướng mắc trong việc đón khách quốc tế. Đề xuất mở cửa du lịch được đi kèm với việc cải thiện những hạn chế này, trong đó nhấn mạnh về thời điểm công nhận xét nghiệm COVID-19 cho khách quốc tế là âm tính 72 giờ trước khi lên máy bay, thay vì 72 giờ khi nhập cảnh.

Lễ đón du khách Nga tới Khánh Hòa theo chương trình thí điểm

Trong trường hợp khách du lịch phải bay theo lộ trình 2, 3 ngày mới đến Việt Nam, điều kiện âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh làm khó khách du lịch.

“Trên máy bay chỉ toàn những người đã được kiểm chứng an toàn với COVID-19, bay vào Việt Nam là phù hợp. Hai điểm cơ bản đó đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch cũng như giúp Việt Nam chào đón khách một cách thân thiện nhất”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá.

13 thị trường khách: Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và 4 nước Bắc Âu được kiến nghị tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương như trước năm 2020.

Ngoài ra, các thị trường như Mỹ, Canada, Australia cần xem xét áp dụng chính sách này. Đây là những thị trường nguồn mà miễn thị thực là công cụ hữu hiệu tạo thiện cảm cho khách quốc tế.

“Điều này cho thấy những chính sách thông thoáng của nhà nước đối với việc thu hút du khách, thu hút người nước ngoài đến Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định.

Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Du khách Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.

Khảo sát nhu cầu khách du lịch Singapore đến Việt Nam do Sân bay Changi triển khai cho kết quả, 95% du khách mong muốn đi du lịch Việt Nam nghỉ dưỡng từ 7 ngày trở lên.

Để đón được những dòng khách này mùa cao điểm tháng 9, tháng 10, Việt Nam còn gần 1 tháng nữa để công bố quốc tế về thời điểm mở cửa cũng như hàng loạt chính sách đi kèm.

Chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế

Cho ý kiến về kế hoạch mở cửa du lịch từ 15/3, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định, quy trình, tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc để thực hiện lộ trình mở cửa. Mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón được từ 5 – 6 triệu khách quốc tế quay trở lại. Để đạt được mục tiêu này, toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đang kết nối lại hệ thống, từng bước chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.

Flamingo Redtours sẽ đón 5 đoàn khách Anh vào dịp cuối năm nay. 30% nhân sự du lịch của công ty đã nghỉ việc vì dịch, 70% còn lại đang vận hành hệ thống, thực hiện kết nối lại với toàn bộ thị trường khách quen. Họ hy vọng từ giờ đến cuối năm có thể đón được 5.000 – 7.000 khách ở thị trường khách cao cấp

Tại nhiều đơn vị lữ hành, nhiều người Việt đã rục rịch tìm tour đi nước ngoài.

“Nhóm tôi đi du lịch sẽ có chính sách bảo hiểm COVID-19, nên bản thân tôi và gia đình khá yên tâm”, anh Trần Tiến Nam, Hà Nội, chia sẻ.

Việc phục hồi đồng thời thị trường khách quốc tế và du lịch cho người Việt Nam ra nước ngoài góp phần thúc đẩy trao đổi khách hai chiều. Khách Âu – Mỹ thường lên kế hoạch dài hạn nên phải cuối năm mới có khách. Còn dòng khách thị trường gần trong khu vực hoặc Đông Bắc Á có thể khởi động trong 1 – 2 tháng tới.

“Đường bay hai chiều được mở rộng hơn đến các điểm đến thì lượng khách inbound vào Việt Nam cũng sẽ sôi động hơn. Tôi mong rằng chính sách của các bộ, ban, ngành được lưu thông đồng bộ để hỗ trợ cho lữ hành đón khách quốc tế an toàn và nhanh chóng”, Phó Giám đốc Lữ hành Saigontourist Hà Nội Nguyễn Hoài Thu cho biết.

Năm nay, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5 – 6 triệu lượt khách quốc tế.

Trong khi đó, một số khách sạn nằm trong danh mục phục vụ các đoàn khách quốc tế dịp SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam tháng 5 năm nay đang đề ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt phục vụ khách quốc tế trong trạng thái dịch bệnh. Thích ứng an toàn là chìa khóa đón và phục vụ du khách.

“Tôi sẽ training lại một lần nữa về tiêu chuẩn 5 sao trong thời kỳ COVID-19. Khi lượng khách nhiều, 80 – 90% công suất phòng thì sẽ như thế nào. Trong thời kỳ COVID-19 này chúng tôi sẽ dành ra 2 tuần để khi có khách F0 sẽ được chăm sóc ở tầng đặc biệt, không lẫn với các khách khác”, Chủ tịch Khách sạn Dolce Hà Nội Golden Lake Nguyễn Hữu Thắng cho hay.

Với tỷ lệ tiêm phủ 2 mũi vaccine COVID-19 vào danh sách 6 nước cao nhất trên thế giới, Việt Nam đang thành điểm đến an toàn hấp dẫn, bên cạnh lợi thế về thiên nhiên, văn hóa.

Năm nay, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5 – 6 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 400.000 tỷ đồng. Trước đó, khi chưa có dịch COVID-19, riêng doanh thu mảng du lịch quốc tế của Việt Nam đạt 2 tỷ USD mỗi tháng.

Các nước mở lại đường bay quốc tế

Mở cửa bầu trời là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Trong tháng 2 này, một số quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới.

Việc nối lại đường bay quốc tế là cơ hội để phục hồi nền du lịch và kinh tế của các nước vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Philippines chính thức mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài từ ngày 10/2, sau gần 2 năm đóng cửa biên giới để khống chế sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng.

Để nhập cảnh Philippines, du khách giờ đây chỉ cần xuất trình các giấy tờ như chứng nhận tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines hoan nghênh động thái này của chính phủ và cam kết đảm bảo an toàn phòng dịch cho hành khách trên các chuyến bay quốc tế.

Trước đó 1 tuần, đảo Bali của Indonesia cũng đón chuyến bay quốc tế đầu tiên đưa 6 du khách Nhật Bản tới hòn đảo du lịch nổi tiếng. Du khách nước ngoài đến Bali vẫn phải cách ly y tế 5 ngày.

“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến bay này. Chúng tôi đã chuẩn bị lối nhập cảnh cho hành khách và trang bị máy đo thân nhiệt, máy tính để hành khách đăng ký, cũng như các điểm xét nghiệm PCR và khu vực cho hành khách chờ kết quả. Tất cả các đơn vị tại sân bay đều sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế”, ông Taufan Yudhistira, Người phát ngôn Sân bay Quốc tế Bali, cho biết.

Một quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác là Australia cũng sẽ mở cửa biên giới cho tất cả những người có thị thực kể từ ngày 21/2 tới.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn cần phải có chứng nhận tiêm chủng. Ngoài thị thực, để nhập cảnh Australia, bạn phải tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19”, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định.

Australia đã bước đầu mở cửa cho du học sinh và người lao động trình độ cao từ cuối năm 2021. Quyết định mở cửa hoàn toàn biên giới cho người nước ngoài của chính phủ Australia được ngành du lịch nước này hoan nghênh, trong bối cảnh thị trường nội địa của nước này đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những hạn chế di chuyển.

Từ ngày 15/2, hàng không Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần 2 năm đóng cửa. Đây được coi là bước tiền đề cho việc khôi phục du lịch quốc tế.

Việc mở cửa đúng thời điểm góp phần không chỉ thu hút thêm ngày càng nhiều du khách đến Việt Nam, cạnh tranh với các nước trong khu vực, mà còn là cơ hội xây dựng được những thương hiệu điểm đến hấp dẫn du khách trong cuộc đua mở cửa nền kinh tế so với khu vực và thế giới.

(Theo vtv.vn)

Bài viết liên quan