Ngành học hot dẫn đầu số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng năm nay: Cung không đủ cầu!

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 12 giờ ngày 17/8, tổng số có 940.714 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2022; trong đó, 574.416 thí sinh đã nhập nguyện vọng. Tổng số có 2.690.335 nguyện vọng.

Theo Thanh Niên, số liệu xét tuyển năm nay cho thấy Công nghệ thông tin là một trong số những ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký ở nhiều trường. Kết quả này không quá bất ngờ bởi trên thực tế, cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ, điều này đồng nghĩa với việc ngành CNTT đang trở nên “khát” nguồn nhân lực. Năm nào đây cũng là nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn bởi các tiêu chí: Thu nhập, cơ hội việc làm, tiềm năng phát triển.

Có tới “91% số sinh viên nghĩ rằng CNTT là một lựa chọn nghề nghiệp tốt cho họ, 95% có nhu cầu muốn biết về CNTT nhiều hơn; 57% cho biết đã học CNTT từ các hướng dẫn trực tuyến; 97% sinh viên không hài lòng nếu cho rằng CNTT chỉ dành cho nam giới” – Trích dẫn trong khuôn khổ sự kiện “Chúng ta cùng lập trình” của Microsoft.

Thông tin từ hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM có nhiều ngành thu hút thí sinh. Đáng chú ý, CNTT là ngành dẫn đầu danh sách về số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tính riêng nguyện vọng 1, số thí sinh đăng ký xét tuyển ngành này nhiều gấp 28 lần so với chỉ tiêu.

Số liệu đăng ký xét tuyển từ nhiều trường cho thấy CNTT cũng là một trong những ngành có nhiều thí sinh đăng ký vào các trường như: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…

Tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết CNTT là ngành học không chỉ thu hút người học mà còn có nhu cầu tuyển dụng cao. Nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề tuyển dụng nhưng trường chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Rất nhiều sinh viên từ năm thứ 3 đã tham gia làm việc cho các doanh nghiệp…

Khi học nhóm ngành CNTT sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về: Khoa học máy tính; Công nghệ phần mềm; Kỹ thuật máy tính; Hệ thống thông tin; Mạng máy tính và truyền thông; An toàn thông tin mạng…

Nhu cầu tuyển dụng cao, mức lương mơ ước

Theo báo cáo thị trường của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Hiện tại, tổng số lập trình viên ở Việt Nam là 430.000, tương đương với việc đang thiếu hụt 20.000 nhân lực. Nguyên nhân thiếu hụt được cho là xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh.

Khảo sát từ các trang tin tuyển dụng cho thấy, hiện tại, lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam dao động trong khoảng 10 – 25 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, ở phân khúc lập trình web, các lập trình viên có mức lương 8 – 13 triệu đồng cho lập trình viên front-end và 11 – 15 triệu đồng cho lập trình viên back-end. Trong khi đó, các vị trí quản lý có mức lương cao dao động 30 – 66 triệu đồng và xu hướng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên việc theo đuổi ngành nghề CNTT không hề dễ dàng. Bạn cần có quá trình học tập chăm chỉ, không ngừng tìm tòi nghiên cứu, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo hết mức có thể. Bởi đây ngành có tốc độ thay đổi chóng mặt.

Với ngành CNTT, áp lực từ deadline, quản lý thời gian, hay phải làm nhiều tác vụ một lúc, sự nhàm chán trong công việc, với một số công việc dạng lặp đi lặp lại cũng khiến bạn luôn bận rộn, căng thẳng. Những khảo sát gần đây của PayScale, một công ty phân tích ngành nghề tại Mỹ xác nhận rằng các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng đồng thời là môi trường bị nhân viên than phiền là dễ gây “stress” nhất.

Bài viết liên quan